Chữ Việt Forum
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Ngôn ngữ ngậm ngùi

5 posters

Go down

Ngôn ngữ ngậm ngùi Empty Ngôn ngữ ngậm ngùi

Bài gửi by Sông Trúc 1/12/2012, 15:56

Cuối tháng 10/2009 trên tạp chí Da Màu, cũng trong phần Bàn tròn Ngôn ngữ có bài viết "Ngôn ngữ ngâm ngùi" của tác giả Lê Hữu. Bài viết đã thu hút bạn đọc trao đổi khá sôi nổi, ST cũng có tham gia thảo luận này với nick HP. Bài chính của LH lẫn phần thảo luận có rất nhiều ý kiến rất thú vị, xin giới thiệu với Bàn tròn ngôn ngữ của forum ta.
Phần bài chính và thảo luận đều có thể xem từ link đã nêu.

Xin trích một đoạn trong phản hồi của tôi:
Cám ơn và xin hoan nghênh bài viết thoáng và hợp lẽ của anh Lê Hữu về một đề tài khá nhạy cảm. Tôi đồng ý với anh trên những điểm chính của bài viết nhưng cũng xin mạnh dạn có vài điều trao đổi thêm với anh về mặt chi tiết:

Về nguyên nhân của việc phân biệt/kì thị “tiếng Việt của VNCH” với “tiếng Việt của VC”, ngoài tâm lí “ghét ai ghét cả tông chi họ hàng” như anh đã nêu hay “trăng Liên Xô tròn hơn trăng Mĩ” như trong nước đã mĩa mai, tôi cho rằng còn có nguyên nhân khác. Đó là lối giáo dục cũ làm cho nhiều người trong chúng ta có đầu óc thiếu cởi mở, cứ tưởng rằng những gì mình đã học được từ nhà trường, những gì mình quen dùng là tuyệt đối đúng, chưa có thói quen lật đi lật lại vấn đề. Không thấy rằng những quy tắc ngôn ngữ tiếng Việt đã ghi trong sách GK chỉ là những quy tắc do các NHÀ VIẾT SÁCH GK mô phỏng các quy tắc ngôn ngữ tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Pháp chứ chưa phải là quy tắc ngôn ngữ của tiếng Việt do các NHÀ NGÔN NGỮ HỌC tiếng Việt phát hiện (trong các thập niên 50, 60 trở về trước hình như chưa có nhà ngôn ngữ học tiếng Việt nào) và hình như cũng quên rằng rằng tiếng Việt, vốn là một sinh ngữ, vẫn còn đang trên đà phát triển. Do đó, tính đúng đắn của các quy tắc chỉ là tương đối và thâm chí nhiều quy tắc vẫn còn trong vòng tranh cãi.

Một hiện tượng ngôn ngữ đi ngoài quy tắc đã biết thì không hẵn đã là sai bởi vì những quy tắc ngôn ngữ đó chưa chắc đã phản ánh đúng thực tế ngôn ngữ . Trước đây tôi (có lẽ nhiều bạn đọc cũng thế) rất dị ứng trước các từ ghép gồm một tiếng Hán Việt và một tiếng “thuần Việt” như từ “vi sóng” (vi ba), “siêu xe” (siêu xa)… nhưng nhìn lại ngôn ngữ khác như tiếng Anh chẳng hạn, họ cũng ghép tiếng có gốc Hi Lạp hoặc Latin (giữ vai trò như tiếng Hán Viết trong tiếng Việt) với tiếng “thuần Anh” như trong từ "microwave" (micro: Latin, wave: “thuần Anh”) hay “antiwhite” (anti: Hi Lạp, white: “thuần Anh”)… thế thì tại sao trong tiếng Việt ta không được ghép từ HV với từ ”thuần Việt”, chính ta tự trói tay ta mà thôi! Mới đây tôi cũng cảm thấy rất chướng tai khi nghe từ “cưới” được dùng bình đẳng cho cả nam lẫn nữ như từ "marry” của tiếng Anh, và hiện nay xu hướng này đang phổ biến trong nước. Dù muốn hay không chúng ta cũng không thể ngăn cản được bởi vì tiếng Việt cũng như mọi sinh ngữ khác đều đang phát triển và ngôn ngữ có tính võ đoán, cái gì số đông dùng ta phải theo thôi. Không cần phải truy tận gốc tới thời vua Hùng mở nước, chỉ cần đem các sách báo hiện nay so sánh các sách báo thời Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh hay xa hơn một chút thời Trương Vĩnh Kí hay Huỳnh Tịnh Của ta đã thấy khá rõ sư thay đổi trong ngôn ngữ.....

Sông Trúc

Tổng số bài gửi : 27
Join date : 22/11/2012

Về Đầu Trang Go down

Ngôn ngữ ngậm ngùi Empty Re: Ngôn ngữ ngậm ngùi

Bài gửi by uyennguyen 2/12/2012, 11:25

Đồng ý với Sông Trúc về cách ghép từ HV và V . Mới đầu nghe không thuận tai , nhưng nhìn ra ngoài thế giới thấy họ cũng "mượn", cũng "ghép",
vậy sao mình không làm vậy để có thêm từ mới ( nhất là lối diễn tả mới ) cho thêm phong phú? Mỗi một thời kỳ, cách dùng từ ( diễn đạt ) nỗi bật khuynh hướng thời đó ( thời thượng) . Siêu xe, siêu mỏng, thậm chí siêu ..sex , cũng không ngoài " cách thế tư duy & ngôn ngữ" mỗi thời đại .Thời nhà văn Hồ Biểu Chánh , từ đôi " chán chường" mang nghĩa khác hẳn " chán chường " của ngày hôm nay ." ..vừa thấy không tiện và cũng vừa ít ra chợ , nên chưa bao giờ chàng nhìn mặt nàng được chán chường"
UN

uyennguyen

Tổng số bài gửi : 53
Join date : 05/11/2012

Về Đầu Trang Go down

Ngôn ngữ ngậm ngùi Empty Re: Ngôn ngữ ngậm ngùi

Bài gửi by Sông Trúc 2/12/2012, 23:21

Cám ơn UN đã có cùng cách nhìn trong vấn đề ngôn ngữ này.
Xin giới thiệu tiếp một đoạn phản hồi khác:
Lam Truong Phong: Tôi đồng cảm với tâm tình người chị họ của tác giả bài viết nhân ông đề cập đến chữ “thân thương”. Năm 76, bị cơ quan lùa vào xem vở kịch Đôi Mắt do đoàn Kịch Nói Trung Ương Hà Nội biểu diễn ở Câu Lạc Bộ Thanh Niên tại Saigon. Cứ phải nghe những chữ “thân thương” rót vào tai. Nhưng thân gì nỗi vì mình dân bại trận bị phân biệt đối xử cứ phải nghe những anh hùng Cách Mạng nêu cao người tốt việc tốt mãi tận đâu đâu trong rừng, có liên quan gì đến hộp sữa đang kiếm đỏ con mắt, cần cho con nhỏ đang khát sữa ở nhà không? Thương sao nổi khi mình có tội lỗi gì với dân tộc đâu mà cứ bị nghe là được khoan hồng! Thét rồi hàng lô chữ đăng ký, chính sách, phân biệt đối xử, nợ máu,…cứ rót vào lổ tai này rồi chạy ra khỏi lổ tai kia không đầy một sát na vì nó không mang nội dung cũa chính nó hay còn gọi chúng là ngụy ngữ (xin lỗi nhà văn Ngụy Ngữ, ở đây không ám chỉ ông gì sất). Rồi, hình như do tự kỷ ám thị, những chữ này đập vào mắt làm mắt đầu bị nháng lửa, và mồm phải tranh luận nếu được tự do phát biếu tại hải ngoại. Một số qúi vị ở đây bảo tôi kỳ thị tiếng Việt , tôi xin phủ nhận cụm từ này, vì tôi không có thành kiến gì trước đó, mà do những kinh nghiệm kể trên phát sinh ra.
Nhân phản hồi của Lam Truong Phong:
Trên thực tế, sự phân biệt/dị ứng ngôn ngữ (xin được rút lại từ “kì thị”) có lẽ chỉ có đối với “người thua cuộc”, còn “kẻ thắng cuộc” trong thế thượng phong đang nắm quyên hành trong tay chẳng quan tâm gì đến ngôn ngữ của “kẻ thua cuộc” đâu, Thật ra, hiện nay “kẻ thắng cuộc” thậm chí lại khôi phục khá nhiều “từ cũ”, và “tiếng miền Nam” cũng thâm nhập vào vốn ngôn ngữ của cả nước chớ không phải chỉ có một chiều, văn Nguyễn Ngoc Tư được chấp nhận trong cả nước là một ví dụ. Phản hồi của Lam Truong Phong và một vài phản hồi trước cho thấy một nguyên nhân khác và có lẽ là nguyên nhân chủ yếu của sư phân biệt trên. Đó là tâm lí phản kháng của “người thua cuộc” không muốn sử dụng ngôn ngữ của kẻ thắng cuộc. Nhất là tâm lí này còn bị làm tồi tệ hơn bởi thói tự kiêu/cao (kể cả thiếu văn hoá) của “kẻ thắng cuộc” muốn áp đặt (chứ không thuyết phục) cộng thêm thói xum xoe dùng vô tội vạ từ ngữ “mới” của “những kẻ xu thời” khiến sự dị ứng càng gay gắt hơn. Cứ không muốn nghe, không muốn dùng chẳng màn đến chuyện đúng sai, và cứ “vô tư” tự tin rằng chỉ cái của mình là đúng đắn hơn.

Để thấy rõ hơn ta có thể trở lại giai đoạn sau 1954 ở miền Nam, khi người Bắc [di cư] hầu như giữ vai trò không chế trong ngôn ngữ [chính thống] ở miền Nam (SGK, thơ, văn, nhạc,…tác giả gốc Bắc chiếm đa số, trong công sở cũng có nhiều người gốc Bắc và thường cũng nắm vị trí chủ chốt). Tức là lúc đó cũng có việc “áp đặt”/”xâm lấn” ngôn ngữ nhưng diễn ra một cách âm thầm không qua một cuộc “đổi đời” và không có những yếu tố “giọt nước làm tràn li” phản cảm của kẻ “thắng cuộc” và “người xu thời” thêm vào nên người bị áp đặt “vui vẻ” chấp nhận. Nếu không “nhờ” xuộc “xâm lấn “ ngôn ngữ đó, có lẽ trong thảo luận ở đây, tôi và một số bạn đọc khác sẽ viết như Hồ Biểu Chánh và số còn lại sẽ viết như Tự Lực Văn Đoàn quá. Đúng ra lúc đó cũng có phản kháng nhưng ở mức độ kiểu như khi con cái đi học ở tỉnh về quê nói chuyện với cha me thì bị la rầy: “bây/mày nói gì tao không hiểu” hay đại loại như thế, không gay gắt đến nổi như kiểu ghét luôn ca sĩ dùng từ “thân thương” trong phản hồi của LTP.

Nhân đây cũng xin được lạm bàn về từ “thân thương”. Theo tôi, có lẽ từ này “nam kì” hơn cả từ “thân yêu” không bị ghét bỏ nhưng vì được phát ra không đúng miệng, không đúng lúc nên đã chịu số phận như thế. Vì rằng trong từ ghép “thân thương” thì “thương” chính là từ người Nam xài thường hơn, kể cả khi tỏ tình cũng vậy người Nam chuộng từ “thương” hơn là từ “yêu” (nói “yêu” bị xem là nghe giống “cải lương”). Để ý rằng đối với từ ghép chung “thương yêu”, khi nói ngắn gọn người Nam lựa lấy từ “thương” còn người Bắc lại chọn từ “yêu“ . Điếu này cũng đúng đối nhiều từ ghép khác như căm ghét, sơ hãi, đau ốm, gấy ốm… (Nam: ghét, Bắc: căm, Nam: sợ, Bắc: hãi, Nam: đau, Bắc: ốm, Nam: ốm, Bắc: gầy…)...

Sông Trúc

Tổng số bài gửi : 27
Join date : 22/11/2012

Về Đầu Trang Go down

Ngôn ngữ ngậm ngùi Empty Re: Ngôn ngữ ngậm ngùi

Bài gửi by uyennguyen 3/12/2012, 08:52

UN thấy có 1 điểm có thể làm thành " luận điểm " mà cả Lam Truong Phong và Sông Trúc đều xem nhẹ : thái độ dụng từ .
Sau 75, hàng loạt từ mới " nhập" từ miền Bắc vào Nam ( không kể cách dùng từ khác nhau giữa N/B đại loại sợ/ hãi; đau/ ốm..v..v..) , những từ mới này , phần lớn là từ đôi Hán Việt ,theo chân bộ đội , nhà cầm quyền và dân tập kết trở về quê hương , gây nên cảnh bát nháo , rổn rảng đầu làng cuối xóm! Bát nháo vì dùng từ lộn phạm trù , rổn rảng vì những từ mới đó , như nổ trong lỗ tai người ( nói và nghe) . Những thuật ngữ triết học từ xưa chỉ dùng trong giới học thuật , tôn giáo , bấy giờ lại được đặt vào miệng bình dân bá tánh.

uyennguyen

Tổng số bài gửi : 53
Join date : 05/11/2012

Về Đầu Trang Go down

Ngôn ngữ ngậm ngùi Empty Re: Ngôn ngữ ngậm ngùi

Bài gửi by uyennguyen 3/12/2012, 09:04

Họ nói nhưng không hoàn toàn hiểu mình nói gì . Bên cạnh đó, còn có chuyện dùng từ đảo ngược / ra vẻ như không thích xài giống miền Nam .
... Dù , bây giờ một số từ đã được" phục hồi" ( chữ của Sông Trúc) , nhưng cách nói năng của người miền Nam ( nói riêng ) vẫn còn khá nổ ,
chưa kể dùng sai từ ( ngữ nghĩa) , và , dĩ nhiên là vẫn bị ảnh hưởng từ giới truyền thông ( báo chí, truyền thanh và truyền hình ). Cho nên , có những từ " bị" xài vô tội vạ trong phạm vi cả nước ( những từ mà các phát thanh viên , ca sĩ và quảng cáo hay dùng )

uyennguyen

Tổng số bài gửi : 53
Join date : 05/11/2012

Về Đầu Trang Go down

Ngôn ngữ ngậm ngùi Empty Re: Ngôn ngữ ngậm ngùi

Bài gửi by uyennguyen 3/12/2012, 11:16

thử đưa vài ví dụ : truyền/ chuyền
cào / cạo
khuyến mãi/ khuyến mại
tạm dừng/ kết thúc
............
Chẳng biết bao giờ những chữ bị " xâm lấn" * được " phục hồi" ngữ nghĩa, và người Việt biết quý tiếng nước nhà.
* Thêm chữ cho kho từ vựng là điều quý , nhưng " thu lượm hỗ lốn" và không phân biệt phạm trù, theo UN , chỉ là kém khả năng dùng chữ!

uyennguyen

Tổng số bài gửi : 53
Join date : 05/11/2012

Về Đầu Trang Go down

Ngôn ngữ ngậm ngùi Empty Re: Ngôn ngữ ngậm ngùi

Bài gửi by ntrinh 3/12/2012, 11:43

Huyền thọai về việc xây tháp cổ Babel phải chăng là một bằng cớ báo trước về sự sa đà của ngôn ngữ, chữ nghĩa và đến cả số phận của nó nữa . Ngôn ngữ sinh ra trong sự tranh cãi của loài người, vậy bạn cứ tiếp tục tranh luận vì bản chất nó là vậy.Bài viết của ST & lập luận của UN đọc đã lắm.
Chuyện rằng:
sau trận Đại hồng thủy sự sống lại tái sinh và phồn thực trở lại trên mặt đất. Loài người đến định cư tại một miền đồng bằng xứ Schinear. Họ rủ nhau xây dựng một ngọn tháp cao chạm trời. Chúa trừng phạt ý đồ ngạo nghễ của họ bằng cách làm cho họ ngôn ngữ bất đồng, không hiểu được nhau, không đoàn kết nhất trí được với nhau, rút cuộc phải bỏ dở công trình bao thiên nghịch địa kia và bị Chúa phân tán thành các giống người khác nhau trên khắp mặt đất. Đây là truyền thuyết về tháp Babel.
Cũng từ chỗ này con người bắt đầu sống tản mác ra khắp năm châu.
Có một bài thơ trong kinh thánh về việc này như vầy

Vả chăng ngôn ngữ cổ thời

Những điều cảm nghĩ, nói lời như nhau

Phía Đông nhiều tộc vùng cao,

Dân đông, đất chật, hoa màu cung vơi

Định cư đất mới kịp thời

Bàn nhau xây tháp để đời hậu lai

Góp nhau vật liệu đủ đầy

Công trình kiến tạo mỗi ngày rộng cao

Quyết xây tháp đụng Thiên Tào,

Nêu cao nhân lực, Trời nào dám đương

Nhân gian ngạo nghễ thiên đường

Trời rằng: “Hiệp nhất vi cường, đại công...

Phải cho ngôn ngữ bất đồng

Mỗi chi một ngả là xong ý đồ!

Thế là: Nhất hữu cửu vô

Thế nhân bỏ cuộc, trở cờ giống nhau

Hỗn Lầu danh gọi về sau

Kể từ việc ấy, ngũ châu người tràn..
ntrinh
ntrinh

Tổng số bài gửi : 99
Join date : 04/11/2012

Về Đầu Trang Go down

Ngôn ngữ ngậm ngùi Empty Re: Ngôn ngữ ngậm ngùi

Bài gửi by tubinhtran 4/12/2012, 09:12

Tựa đề bài viết "Ngôn ngữ ngậm ngùi" thật xác đáng vì riêng tôi đã trải qua 1 kinh nghiệm ngậm ngùi. Cũng chỉ vì khen chê từ trong nước, từ ngoài nước mà tôi cũng mất đi một tình bạn.
Bạn tôi về VN chơi, xem Tivi trận đánh tennis, giải quần vợt quốc tế, tường thuật viên trận đánh nói câu: "Cú serve đầy cảm giác". Anh bạn tôi cho rằng diễn tả như vậy là sai ngữ pháp hoàn toàn, vậy mà làm tường thuật viên thì không ổn.
Tôi nói với bạn tôi là cách dùng đó cũng ok vì khi tường thuật trận đấu, người ta cũng cần nói nhanh gọn, hơn nữa nói là "đầy cảm giác" cũng là sáng tạo, để người nghe tự điền vào óc mình cảm giác. Tựa như quảng cáo của hãng xe Toyota "Oh what a feeling, Toyota!", tự người nghe điền vào cảm giác của mình ,...
Hai người cãi qua, cãi lại và thế là tình bạn ngậm ngùi chia tay cho đến bây giờ cũng đã hơn hai năm. Crying or Very sad


Được sửa bởi tubinhtran ngày 12/2/2014, 19:13; sửa lần 2.

_________________
Chữ Việt Nhanh
http://chuvietnhanh.sf.net
tubinhtran
tubinhtran

Tổng số bài gửi : 233
Join date : 07/11/2012

http://chuvietnhanh.sf.net

Về Đầu Trang Go down

Ngôn ngữ ngậm ngùi Empty Re: Ngôn ngữ ngậm ngùi

Bài gửi by Sông Trúc 4/12/2012, 09:41

UN thấy có 1 điểm có thể làm thành " luận điểm " mà cả Lam Truong Phong và Sông Trúc đều xem nhẹ : thái độ dụng từ ….
Họ nói nhưng không hoàn toàn hiểu mình nói gì . Bên cạnh đó, còn có chuyện dùng từ đảo ngược / ra vẻ như không thích xài giống miền Nam….
Đồng ý với UN cần phải xét thêm mặt này, phải lúc đó có UN và các bạn khác tham gia thì bàn tròn DM thêm xôm tụ Laughing. Thật ra, trong trao đổi trên tôi chỉ phân tích việc dùng từ theo nghĩa đúng của nó như dùng trong nhà trường hay trong sách vở. Lúc đó và cả ngay bây giờ, các từ điển đúng đắn không hề cho ta nghĩa như nghĩa dùng không đúng của một ‘bộ phận không nhỏ’ trong bá tánh (chữ dùng của UN) hiện nay.
Đúng là lúc đầu cũng có thái độ ‘không thích xài giống miền Nam’ nhưng theo tôi đó chỉ là tự phát, cũng ‘tự nhiên’ như việc tiếng Bắc lấn lướt tiếng Nam sau 1954 như tôi có nêu, chứ có vẻ không phải là chủ trương của Nhà nước (bênh vực CS đây Smile ). Bằng chứng là các phát biểu của HCM và nhất là của PVĐ về ‘giữ gìn sự trong sáng của TV’ cũng phê phán việc này và cũng có những lời khuyên như tác Phạm Văn Bân trong bài mà ntrinh có post trong DĐ này. Có vẻ cũng không thấy có chỉ thị của đảng và CQ CS chủ trương như vậy. Theo tôi, đó chỉ là thói ‘dốt hay nói chữ’ lúc nào cũng có nhưng rõ ràng là hơi bị… nhiều ở trong nước hiện nay. Những người làm việc trên các phương tiện thông tin đại chúng (có ảnh hưởng lớn về cách ăn nói của bá tánh) đại đa số là lớp người mới trưởng thành sau 1975. Họ không có vốn đủ về từ HV (không được dạy trong nhà trường) lại không chịu tra cứu, dùng sai từ thì cái sai của họ bị nhân lên ‘triệu bội’. Rõ ràng không có vốn từ HV phong phú thì cũng khó chủ động trong việc dùng từ, dùng từ thuần Việt, HV nào, khi nào…

Xin post tiếp một đoạn trao đổi khác cũng có ít nhiều liên quan:
@Lê Hữu:…”Anh cũng tỏ ra rất thoáng (và có lý do) khi cho rằng “một hiện tượng ngôn ngữ đi ra ngoài quy tắc đã biết thì không hẳn đã là sai” và nên tiếp nhận thay vì ‘chính ta tự trói tay ta’, “…
Hơi bị oan cho tôi rồi, tôi có xúi “nên tiếp nhận “ hồi nào đâu, có lẽ 2 ví dụ “nhảy vọt/dựng” của tôi đã hại tôi. Đúng là trong 2 ví dụ đó tôi có ý “say yes” thiệt, còn nói chung tiếp nhận hay không là tuỳ vào trường hơp cụ thể. Nếu lưu ý, anh cũng thấy tôi viết “chưa hẵn đã sai” theo liền là “bởi vì những quy tắc ngôn ngữ đó chưa chắc đã phản ánh đúng thực tế ngôn ngữ.”. Như vậy, ở đây tôi có ý xúi… sửa sách (trước nhất là sách của “văn phạm học giáo sư” Phạm Duy Khiêm) khi thấy nó không phù hợp với thực tế ngôn ngữ. Còn việc tiếp nhận hay không tiếp nhận các hiện tượng ngôn ngữ, thật ra, anh, tôi hay bất cứ người có “thẩm quyền” nào chỉ “bótay chấm cơm “(2) thôi, “sức mấy”(1) mà can thiệp được. Vì lẽ một hiện tượng ngôn ngữ sống hay chết là theo các quy luật riêng của nó, con người chỉ có thể tác động rát ít.

Xin mở ngoặc là tôi không có “lăn tăn” gì với giáo sư ngữ pháp Pham Duy Khiêm hết. Vào thời điểm đó, trong điều kiện mới chuyển tiếp từ nền giáo dục bằng chữ Hán sang “chữ quốc ngữ”, hầu như không có công trình nghiên cứu nào vể tiếng Việt trong tay, lại được đào tạo từ Pháp, viết sách ngữ pháp tiếng Việt mà không bị lai Tây/Tàu mới là chuyện lạ. Nhưng đến thế kỉ XXI này rồi, ngôn ngữ học tiếng Việt đã có khá nhiều thành tựu, và cuộc chiến đã qua gần 35 năm rối mà cứ tiếp tục theo “toa” cũ và dị ứng với “từ mới” thì có lẽ “hơi bị“(2) cố chấp. Dĩ nhiên, chúng ta có thể “tử thủ” chọn không dùng các “từ mới” hay chọn cách nói/viết kiểu như “văn phạm học giáo sư”, “thái dương hệ”, “hải quân đại uý”, “chủ tịch đoàn”, “giám sát viện”,… (“phụ trước – chính sau” bê của Tàu), hoặc cố căng kéo “chân” câu Việt, chẳng hạn “Cô ấy xinh quá” (với cấu trúc “chủ – vị’ hay “đề – thuyết”) thành “Cô ấy [thì/là] xinh quá” cho vừa “giầy” cú pháp Tây (với cấu trúc S – V – [C])… cũng chẳng sao (vì như ý anh nói, cái chính là “get the message thru”) nhưng cách nói/viết của 85 triệu người dân trong nước vẫn là quyết định.

”Không rõ đối với các từ ghép “Hán-Việt và thuần…Mỹ” như siêu hot, siêu cute, siêu sexy thì thế nào? Ta cũng…chơi luôn, cho “thoáng” chăng? …
Đúng là ý tôi cũng gần như thế, nhưng không phải ghép từ HV (và có thể cả từ “thuần Việt” nữa) với từ “thuần Anh/Pháp/…” mà với những từ đã vay mượn từ các ngôn ngữ này. Ít ra tôi cũng có thể trưng ra ngay 2 ví dụ về từ tạo theo kiểu này mà không thấy ai “ọ e” gì. Đó là từ “vi phim” (vi: từ HV, phim: mượn từ film của Tây ) và từ “canh gác” (canh: từ “thuần Việt”, gác muợn từ garde của Pháp). Cũng xin lưu ý là từ “vi phim” có vẻ đang bị thần chết quơ liềm. Chết không phải vì không theo đúng quy tắc ngôn ngữ mà vì bản thân vi phim đang bị các phương tiện lưu trữ digital, ít tốn chỗ hơn, loại ra khỏi vòng chiến. Cũng có thể tìm thấy nhiều từ có cấu tạo như thế trong thuật ngữ các ngành khoa học, kĩ thuật., nghệ thuật… ví dụ như phi/không Euclid, giả cycloid, phản electron, tiền Raphael…

Cuộc sống luôn có nhiều điều mới mẻ, để có thể phản ánh được thực tế mới, tiếng Việt cũng như bất kì sinh ngữ nào khác cần phải tạo ra thêm những từ mới và cách diễn đạt mới, không thể cứ bó tay cam chịu, giống như trẻ em đang lớn mặc quần áo cũ chật chội ta buộc phải sắm đồ mới cho các em chứ không thể bắt chúng “đai-ợt” để mặc vừa quần áo cũ.

Về chuyện đối chiếu từ cũ /mới, tôi có đọc một vài tác giả khác. Cũng làm đối chiếu như anh nhưng họ có ý khác. Chê bai người [CS] trong nước đều là dốt nát đang dùng sai tiếng Việt hoặc cố tình sửa ”sai” tiếng Việt cho khác với “tiếng Việt của VNCH ”(?!). Do định kiến hơi nặng, cứ nghe là dị ứng, thậm chí cố tình/ý hiểu sai các cách nói mỉa, nói giảm, nói tránh… , không chịu tìm hiểu, tra cứu lại thêm chủ quan tin rằng mình đúng hơn, nên rất tiếc là họ sai nhiều hơn đúng và thật sự họ cũng không tránh được việc dùng “từ mới” trong chính bài viết của mình! Thấy anh có vẻ thoáng nên tôi đã trao đổi cho vui, còn với các tác giả khác tôi chưa bao giờ lên tiếng. Ý anh như thế, nhất trí với anh thôi….
—————————–
(1) Cách nói (đã hết thời) của giới trẻ miền Nam khi xưa
(2) Cách nói (có lẽ rồi cũng sẽ hết thời) của giới trẻ trong nước hiện nay
@tubinhran: nhất trí với anh Bình tưa bài vừa du dương về mặt âm pháp (4 âm 'ng' liên tiếp, có trầm có bổng...) vừa ý nhị (nói lên nhiều tâm sự)...

Sông Trúc

Tổng số bài gửi : 27
Join date : 22/11/2012

Về Đầu Trang Go down

Ngôn ngữ ngậm ngùi Empty Re: Ngôn ngữ ngậm ngùi

Bài gửi by Việt Nhân 30/12/2012, 07:32

Hôm nay có dịp đọc kỹ bài “Ngôn ngữ ngậm ngùi” của tác giả Lê Hữu trên mạng damau.org và đọc tất cả các phản hồi của độc giả ở cuối bài, trong đó có phản hồi của Huỳnh Phan (tức Sông Trúc ở Chữ Việt Forum), tôi xin góp vài ý như sau:

- Những năm gần đây, rải rác trên báo mạng và báo giấy ở hải ngoại thường có các bài viết so sánh, bàn về tiếng Việt trong nước, ngoài nước. Bài của tác giả Lê Hữu là một bài viết giá trị, công phu, nhất là có cái nhìn thực tế và thoáng.

- Ngôn ngữ chỉ là công cụ để thông tin, vốn không có tính chính trị. Việt Nam bị chia cách nhiều năm, lại thêm vài triệu người Việt lưu vong mà lòng hận thù chưa nguôi với nhà cầm quyền độc tài trong nước, nên một số từ ngữ đã bị người Việt hải ngoại gán nhãn chính trị.
Một số từ ngữ bị khá đông người Việt hải ngoại “… ghét bỏ một cách oan uổng, chỉ vì… “ghét ai ghét cả tông chi họ hàng”. Tâm lý này khá phổ biến và có thể hiểu được. Ghét người nào là ghét cả cái nhà cái xe, cái chăn cái chiếu, con chó con mèo… của người ấy. Nhiều người cảm thấy “ghét” chữ này chỉ vì thường đọc/nghe trên “báo, đài” (Lê Hữu).
Cho dù bài viết của Lê Hữu (hoặc của các tác giả khác) có hay đến đâu mà lòng người vẫn còn ngăn cách thì cũng không giải quyết được gì. Ghét ai ghét cả tông chi họ hàng vẫn là bản tính của con người, chứ không phải của riêng người Việt.

- Tôi rất đồng ý với cách nhìn của Sông Trúc là: “…Trên thực tế, sự phân biệt/dị ứng ngôn ngữ có lẽ chỉ có đối với “người thua cuộc”, còn “kẻ thắng cuộc” trong thế thượng phong đang nắm quyên hành trong tay chẳng quan tâm gì đến ngôn ngữ của “kẻ thua cuộc” đâu …” (Sông Trúc). Nhà cầm quyền VN hiện nay chỉ kiểm soát gắt gao nội dung bài viết, chứ không ra chỉ thị cấm dùng từ ngữ của chế độ cũ miền Nam trước 75.
Thế nhưng, hiện nay ở hải ngoại vẫn có một số trang web độc đoán kiểm soát còn gắt gao hơn nhà cầm quyền VN, họ kiểm soát cả từ ngữ.

Vài năm trước đây, có lần tôi gởi một bài viết của tôi vào diễn đàn tvvn.org. Trong bài viết tôi dùng chữ “phần mềm” cho chữ software. Họ yêu cầu tôi phải thay chữ “phần mềm” bằng chữ khác như “nhu liệu”, “chương trình” thì họ mới cho đăng vì họ cho rằng chữ “phần mềm" là chữ trong nước. Tôi không vui nên có hỏi lại họ là nếu dùng chữ “nhu liệu” thì khi dịch chữ hardware phải dùng chữ gì? “Cương liệu” được không? Họ ú ớ trả lời là câu hỏi hay và đề nghị độc giả góp ý!

Họ còn ra nội quy khi gởi bài viết thì không được dùng các từ ngữ trong nước. Ví dụ: xem nguyên văn thể lệ trang web tvvn.org như sau:
Đăng bài bằng tiếng Việt
– Trong những bài đăng đầu tiên, các Hội Viên đến từ Việt Nam vẫn được dùng chữ trong nước, các Trưởng Phòng và Phụ Tá sẽ nhắc nhở dần. Xin tham khảo Tự Điển Việt (trong nước) - Việt (hải ngoại) để hiểu rõ thêm.
http://www.tvvn.org/forum/faq.php

Đọc các nội quy này, tôi thấy họ chống cộng kiểu như nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn có lần đại khái nói: “Nhiều người chỉ hăng hái chống cộng ở những nơi không có cộng sản”.
(Cũng tựa như việc đến nay một số cộng động hải ngoại vẫn chủ trương biểu tình chống ca sĩ từ VN qua hát, dù là họ chỉ hát các bài hát tình yêu! Trong khi đó, nhà cầm quyền VN thì không cấm ca sĩ hải ngoại về VN hát. Họ còn dám mời cả ca sĩ Khánh Ly).

Vì vậy, thiết nghĩ muốn chống cộng hiệu quả thì phải làm hay hơn người cộng sản. Đừng độc đoán hơn người cộng sản.
Việt Nhân
Việt Nhân

Tổng số bài gửi : 118
Join date : 04/12/2012

Về Đầu Trang Go down

Ngôn ngữ ngậm ngùi Empty Re: Ngôn ngữ ngậm ngùi

Bài gửi by Sông Trúc 1/1/2013, 11:38

Tôi rất đồng ý với cách nhìn của Sông Trúc là:“…Trên thực tế, sự phân biệt/dị ứng ngôn ngữ có lẽ chỉ có đối với “người thua cuộc”, còn “kẻ thắng cuộc” trong thế thượng phong đang nắm quyên hành trong tay chẳng quan tâm gì đến ngôn ngữ của “kẻ thua cuộc” đâu …”(Sông Trúc). Nhà cầm quyền VN hiện nay chỉ kiểm soát gắt gao nội dung bài viết, chứ không ra chỉ thị cấm dùng từ ngữ của chế độ cũ miền Nam trước 75.
Thế nhưng, hiện nay ở hải ngoại vẫn có một số trang web độc đoán kiểm soát còn gắt gao hơn nhà cầm quyền VN, họ kiểm soát cả từ ngữ.
Cám ơn VN đã chia sẽ nhận xét trên. Nói như nhà phê bình văn học Đặng Tiến “Từ ngữ vô tội. Thậm chí lịch sử, có lẽ,tự nhiên, và tự nó, cũng vô tội.” Ai ‘kì thị’ ngôn ngữ thì người đó bị thiệt thòi thôi. Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại là việc góp phần chống lại những từ ngữ mà chúng ta thấy rằng đã bị dùng sai từ bất cứ phía nào cũng là điều cần thiết.

Hiện nay, một số người ‘cố chấp’ ngoài nước cố gắng bảo vệ vốn tiếng Việt mang theo cách nay gần 40 năm và chống lại việc dùng các từ trong nước. Họ quên rằng ngôn ngữ nào cũng phát triển chứ không đứng yên. Theo từ điển Oxford, mỗi năm tiếng Anh có thêm hàng trăm từ mới [từ điển Oxford thêm khoảng 400 từ năm 2011], chưa kể nhiều từ cũ thay đổi nghĩa hoặc biến đi, tiếng Việt cũng thế nhưng có thể có mức độ thấp hơn (không có số liệu nhưng mức vài chục từ mới/năm chắc không đến nỗi quá đáng, tức là từ 1975 đến nay có thể cũng lên tới cả ngàn từ). Cố gắng này của họ cho tới giờ xem ra là một ‘mission impossible’ do điều kiện giao lưu và phương tin thông tin hiện nay.

Còn trong nước thì dùng từ vô tôi vạ như UN có nêu (nói theo Dong Phung Viet là ‘cưỡng hiếp tiếng Viêt’, còn nói kiểu bọ Lập thì gọi là ‘làm rách tiếng Viêt’), phần lớn có lẽ do trình độ (người làm công tác truyền thông, người chấp bút dự thảo các văn bản nhà nước…) hơn là từ chủ trương của nhà nướcCSVN như ST có dịp phân tích ở trên. Cho nên việc phê phán điều này cần thiết hơn. Trong cố gắng này xin giới thiệu sang kiến của gs Trần Hữu Dũng, chủ trang web viet-studies là qua bài viết của Dong Phung Viet sau đây:

Cưỡng hiếp tiếng Việt

Bác Trần Hữu Dũng – người thực hiện trang web viet-studies.info – một trong những trang web rất đáng bỏ thời gian để xem qua mỗi ngày - vừa đề nghị mọi người hỗ trợ bác thực hiện “Từ điển Ngôn ngữ của Đảng CSVN”.

Theo bác Dũng, sở dĩ bác muốn thực hiện bộ từ điển đó, vì bác không may sống xa tổ quốc”, nhiều lúc bác hơi ngỡ ngàng về ngôn ngữ thường dùng của Đảng, hoặc những cán bộ cao cấp của Đảng (bởi chúng có những nghĩa khác với nghĩa mà bác đã biết).

Một bộ từ điển như bác Dũng mong có là điều hết sức chính đáng nên sau khi đọc được lời kêu gọi của bác Dũng, mình có ý định giúp bác và những người như bác.

Tuy nhiên, sau khi thử làm 15 mục từ mà bác Dũng đã tập hợp, liệt kê, dự định tìm nghĩa để đưa vào cuốn từ điển, mình chợt nhận ra rằng, cách đảng, nhà nước, chính phủ sử dụng từ ngữ - lý do khiến bác Dũng cảm thấy cần soạn từ điển riêng - chính là một lối “cưỡng hiếp tiếng Việt”.

Hóa ra, giúp bác Dũng sẽ không chỉ là hỗ trợ một ý tưởng độc đáo mà còn là cách để nhận ra rằng, tiếng mẹ đẻ đang bị cưỡng hiếp như thế nào.

Dưới đây là một số mục từ mà mình vừa thử định nghĩa. Xem xong, nếu hứng thú, các bạn nên vào viet-studies.info, phụ bác Dũng một tay…

*

“Bao cao su”: Không còn nghĩa là phương tiện dùng để ngừa thai hay hỗ trợ thực hiện tình dục an toàn. Đây là khái niệm mới, đề cập đến một loại chứng cứ, hỗ trợ nỗ lực tạm giam những cá nhân mà chính quyền Cộng hòa XHCN Việt Nam muốn đem đi “cất”, song các cơ quan thực thi pháp luật của họ lại chưa tìm đủ chứng cứ hợp pháp. Căn cứ vào diễn biến thực tế trong vụ án Cù Huy Hà Vũ, cụm từ này chỉ nên dùng với nghĩa vừa kể, khi nó có thêm yếu tố “đã qua sử dụng”. Ngoài ra cần bỏ trong ngoặc kép để tránh lầm lẫn với nghĩa thường dùng.

Bộ phận không nhỏ: Có nghĩa là đại đa số, gần như tất cả. Một kiểu uyển ngữ không cần thiết. không nên dùng vì ai cũng biết là không thật.

Cơ quan chức năng: Một cụm từ rất khó xác lập ngữ nghĩa chính xác, do người dùng không cho rằng “chức năng” tương đồng với “trách nhiệm”. Tạm mô tả đó là những cơ quan khi cần thì không có và lúc có thì không thấy cần.

Điên cuồng chống phá: Thường là nói, đôi khi là thực hiện một số hành vi ôn hòa dù đã được Hiến pháp minh định, rằng đó là quyền của mọi công dân nhưng lại làm Đảng, Nhà nước nổi điên.

Đối tượng xấu: Là những người không xấu như nguyên nghĩa của từ “xấu” trong Việt ngữ nhưng bị những kẻ thực sự xấu sợ và ghét.

Kẻ xấu: Xem mục “Đối tượng xấu”.

Kích động chống phá: Nói hoặc viết công khai những điều nhiều người nghĩ, nhiều người muốn.

Khiếu kiện nhiều (đông) người: Cụm từ chỉ hệ quả của việc khiếu nại, tố cáo, thưa kiện của một hoặc của một ít người nhưng không đem lại kết quả mà họ mong đợi.

Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa: Tên gọi loại quái thai được lai ghép giữa tinh trùng “kinh tế thị trường” và trứng “định hướng xã hội chủ nghĩa”, trái các lý thuyết và kết quả thực nghiệm mà nhân loại đã biết. Thử nghiệm lâm sàng cho thấy, loại quái thai này gia tăng bất công, đói nghèo, đẩy nhanh tiến trình phân hóa xã hội, thúc đẩy các yếu tố tiêu cực di chuyển nhanh đến cực đại. Cũng vì vậy, thí nghiệm không được công nhận, ứng dụng rộng rãi. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thí nghiệm vẫn được ca ngợi là bằng chứng của “đổi mới”, “sáng tạo”.

Nghiêm: Tuy chỉ một từ nhưng có giá trị như một thành ngữ, dùng để diễn đạt chuyện chỉ nói rất nghiêm, còn khi làm thì có thể… nghỉ hoặc… nằm.

Phản động: Thường được dùng để chỉ những người bày tỏ những mong muốn chính đáng nhưng điều họ nói là chuyện chính quyền không muốn nghe, hoặc điều họ làm là chuyện chính quyền không muốn thấy.

Thành phần xấu: Xem mục “Đối tượng xấu”.

Tụ họp đông người: Một khái niệm, tuy là sự thóa mạ điều 69 của Hiến pháp 1992 (Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật) nhưng vẫn được chính phủ Cộng hòa XHCN Việt Nam tán thưởng bằng Nghị định số 38/2005/NĐ-CP.

Xúi giục: Đề nghị thay đổi hoặc đề nghị nên làm những điều rất cần phải làm.

Xuyên tạc tình hình: Kể những sự thật mình biết cho nhiều người cùng biết. Nếu vừa kể, vừa đưa thêm nhận định cá nhân thì là “Kích động chống phá”. Xem thêm “Kích động chống phá”.

PDV có viết tiếp phần 2 của bài này ở đây.


Được sửa bởi Sông Trúc ngày 1/1/2013, 13:25; sửa lần 1.

Sông Trúc

Tổng số bài gửi : 27
Join date : 22/11/2012

Về Đầu Trang Go down

Ngôn ngữ ngậm ngùi Empty Re: Ngôn ngữ ngậm ngùi

Bài gửi by Việt Nhân 1/1/2013, 12:41

Cảm ơn Sông Trúc đã giới thiệu thêm đoạn "Cưỡng hiếp tiếng Việt" lý thú trên trang facebook của Dong Phung Viet .

Khi vừa gởi xong phản hồi của tôi ở trên vào Chữ Việt Forum, tôi gởi nguyên văn đoạn phản hồi vào cuối bài "Ngôn ngữ ngậm ngùi" của Lê Hữu ở mạng davang.org. Sau vài ngày xét duyệt, hôm nay mạng này đã cho đăng phần phản hồi đó. Xin xem đường dẫn:
http://damau.org/archives/9635#comment-10414
Việt Nhân
Việt Nhân

Tổng số bài gửi : 118
Join date : 04/12/2012

Về Đầu Trang Go down

Ngôn ngữ ngậm ngùi Empty Re: Ngôn ngữ ngậm ngùi

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết