Chữ Việt Forum
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

BÀN VỀ CÁI SAY TRONG TỬU GỚI - BÀI 3

Go down

BÀN VỀ CÁI SAY TRONG TỬU GỚI - BÀI 3 Empty BÀN VỀ CÁI SAY TRONG TỬU GỚI - BÀI 3

Bài gửi by ntrinh 19/1/2013, 20:45

BÀN VỀ CÁI SAY TRONG TỬU GỚI - BÀI 3 20102141311


Bài viết của Lão Ngoan Đồng.

Như đã viết trong kỳ trước, theo tửu giới, say vừa phải (ngà ngà) là mức say đẹp nhất. Riêng với các thi nhân, vào lúc mà tâm hồn đã say men nhưng tâm trí còn tỉnh táo ấy, nguồn cảm hứng thường tuôn trào. Đã có biết bao huyền thoại về những bài thơ được sáng tác trong cơn say của Lý Thái Bạch, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương, Vũ Hoàng Chương... Tuy nhiên, vì không thể kiểm chứng chuyện xưa, LNĐ chỉ xin nêu ra một trường hợp mà mình biết rõ, liên quan tới hai người thân quen: nhà văn Dương Hùng Cường (DHC) và nhà báo TNT.

DHC và TNT là hai trong số những văn nghệ sĩ gốc quân nhân bị kẹt lại sau năm 1975. Sau khi từ trại “cải tạo” trở về Sài Gòn và trước khi bị bắt lần thứ hai (cùng nhóm với Hoàng Hải Thủy, Doãn Quốc Dĩ...), hai người thường ngồi uống rượu với nhau. Năm 1988, DHC chết vì kiệt sức, TNT mất một bạn hiền. Ngày giỗ đầu của DHC, TNT ngà ngà say, xuất khẩu thành thơ:

Chén âm dương vỡ giữa đời
Thoảng quanh men rượu ngỡ người bên mâm
Cuồng say thôi cũng âm thầm
Nhắp môi uống hết mê lầm phù sinh
Rượu ngày giỗ bạn (nhớ anh Dương Hùng Cường) – TNT 1989

* Say quá chén:

Nếu say vừa phải (ngà ngà) là mức say “đẹp” nhất thì say quá chén –mà nhiều người cho là đúng nghĩa chữ SAY– phải được coi là mức say “đã” nhất.

“Đã” bởi vì đầu óc như bay bổng mà thân xác vẫn đứng ngồi. Người say như cùng một lúc sống trong hai thế giới hư, thực.

Nhưng bên cạnh đó, quá chén cũng có những tai hại của nó. Bởi vì khi say tới mức ấy, nhiều người sẽ không còn khả năng kiểm soát được một phần, hoặc tất cả mọi hành động, lời ăn tiếng nói của mình. Nếu trong bàn rượu chỉ có bạn bè thân thiết, ngang hàng thì không sao, nhưng nếu có các bậc cha chú, có người lạ, nhất là trong trường hợp người lạ đó lại là kẻ thối mồm, bụng dạ tiểu nhân, hoặc tệ hại hơn, là kẻ thù của mình thì vô cùng tai hại.

Còn nhớ ngày xưa DHC – người mà khi viết phóng sự lấy bút hiệu Dê Húc Càn – mỗi khi say thường đem xếp lớn xếp nhỏ (thiếu tư cách), cùng những đồng nghiệp (chuyên nghề nâng bi) của mình ra mà chửi. Cũng may ông tướng Tư lệnh Không Quân là người sính thơ văn, lại biết rõ DHC là anh chàng gàn bướng, “chỉ có cái miệng”, nên hết lòng bênh đỡ, chàng mới không bị “đì” tận mạng.

Tửu nhập ngôn xuất. Bọn Việt Cộng ma giáo biết rõ điều đó hơn ai hết, cho nên ngày xưa chúng thường tuyển những nữ cán bộ giao liên xinh đẹp hấp dẫn cho giả dạng nhà lành tới mở quán rượu gần nơi đồn trú của các đơn vị quân đội VNCH. Chính tại những quán cóc nghèo nàn ấy (hoặc nếu cần, ở trên giường), đám giao liên VC đã ra sức khai thác tin tức về tổ chức, hoạt động của quân ta từ những chàng sĩ quan thích nhìn mỹ nhân qua ly rượu.

(Cũng có một vài trường hợp an ninh quân đội của ta đã biết tỏng các cô gái là giao liên VC, bèn tương kế tựu kế, dĩ độc trị độc, cho một chàng hào hoa phong nhã trổ tài tán tỉnh. Rốt cuộc, gậy ông lại đập lưng ông: cô cán bộ VC ấy lại trở thành hợp tác với phe ta!... Nhưng nói chung, những trường hợp như vậy cũng rất hiếm).

Về việc say rượu để rồi “thần khẩu hại xác phàm” thì chẳng cần nói đâu xa, ngay ở Victoria cũng có hai tay “ngũ đoản” nổi tiếng, chuyên giả dạng đệ tử Lưu Linh để mon men tới các đám nhậu, không phải với mục đích ăn uống chùa mà là để rình rập, thu thập, ghi nhận những chuyện không hay, những bí mật mà người khác kể ra trong lúc tửu nhập. Kết quả, chuyện gì họ cũng biết, bí mật nào họ cũng tỏ, rất có lợi cho việc âm mưu, thủ đoạn.

Suy ra, chỉ nên quá chén với bạn bè thân thiết, tín cẩn, không nên quá chén ở những chỗ có người lạ, hoặc nếu đã lên chức bố vợ, ông nội, ông ngoại cũng không nên quá chén trước mặt con cháu...

* Say mèm:

Còn gọi là say bí tỉ, say khướt, say tít cung thang, (tiếng Anh gọi là dead drunk), là tình trạng say không còn biết trời trăng mây nước gì nữa. Mà đã không còn khả năng nhận biết thì làm sao có thể gọi là thú vị?! Cho nên, trừ những người bị thất tình, bị vợ bỏ, bị thua bạc, bị giựt hụi, bị mất giá cổ phần... muốn uống để quên đời, chúng ta không bao giờ nên uống say tới mức này. Vừa uổng rượu, vừa hại sức khỏe, vừa có thể trở thành “không giống con giáp nào cả”!

* Xỉn – Sắc ngả màu trôi:

Tới đây, thiết tưởng cũng cần đề cập tới chữ “xỉn”. Khi nói tới ảnh hưởng của việc uống rượu, người ta thường dùng chữ “say xỉn”. Giải thích” Người thì cho rằng “say” và “xỉn” có nghĩa xêm-xêm , người khác lại cho “xỉn” là “say không còn biết gì hết” (tức say mèm), cũng có người nói “xỉn” là “gục tại chỗ”...

Thực ra, “xỉn”, theo nghĩa đen, là chỉ tình trạng nước xi (nước mạ) của một vật gì bị mờ đi do hậu quả của sự ốc-xít hóa, tiếng Anh là tarnished. Theo sự đoán mò của LNĐ, người miền Nam đã dùng chữ “xỉn” theo nghĩa bóng, đại khái cũng giống như 4 chữ “sắc ngả màu trôi” để chỉ tình trạng “dật dờ” của một người uống rượu.

Qua nhận xét lối dùng chữ “xỉn” của dân nhậu miền Nam thuộc đủ mọi giới, LNĐ có thể đi tới kết luận: trong khi “say” có nghĩa chung chung, dùng trong trường hợp nào cũng được, thì “xỉn” để chỉ tình trạng một người uống rượu đã quá say nhưng chưa gục, vẫn còn chút khả năng nhận thức )mình đang ở đâu, đang uống với ai) nhưng đã bắt đầu loạng quạng. Và khi đó, vì không còn khả năng kiểm soát hành động, lời ăn tiếng nói của mình, việc quậy hay không quậy, dễ thương hay khó thương hoàn toàn tùy thuộc bản tính mỗi người.

Như vậy, có thể nói “xỉn” là tình trạng quá say nhưng chưa tới mức “say mèm”, và muốn biết một người có thể trở thành bạn hiền để cùng nhau uống rượu hay không, ta chỉ cần đợi tới lúc người ấy “xỉn”.

Nhưng dù sao chăng nữa, LNĐ cũng có thể bảo đảm với quý tửu sĩ một điều: người uống rượu tới mức “xỉn” có thể là “bạn hiền” (khoác lác, khó chịu, hay kiếm chuyện, chửi bới, đập phá...) nhưng chắc chắn không phải kẻ tiểu nhân, lũ mưu mô, phường lừa lọc. Bởi vì một điều rất dễ hiểu, đám “xú nhân” này không có “tâm hồn tửu sĩ” nên chỉ sợ phí thời giờ, hao tiền bạc, hại sức khỏe, đồng thời vì sẵn có âm mưu, mặc cảm, nên không bao giờ dám uống rượu say (trước mặt người khác), sợ bị lộ chân tướng!

Bia, Rượu vang hay Cỏ nhắc?

Tới đây, LNĐ mới chính thức “đụng độ” Thụy Văn –người đã từ bỏ môn phái cỏ-nhắc (cognac) để theo môn phái rượu vang.

Nói “từ bỏ” là để nghe cho ly kỳ thế thôi, trên thực tế lúc nào nhà Thụy Văn cũng trữ đủ mọi loại rượu, để tùy theo bốn mùa xuân hạ thu đông, khách già khách trẻ, về sớm hay ở lì tới khuya, ăn ngoài trời hay ăn trong nhà, chén bò lúc lắc hay chơi cua đinh... mà chủ nhà sẽ đãi bia, rượu vang, cỏ-nhắc hay uýt-ky 15 tuổi.

Cũng cần nói thêm, trong phần đầu của loạt bài Bàn Về Rượu, Thụy Văn đã viết khá đầy đủ về cái ngon, cái độc đáo của bia, cỏ-nhắc và rượu vang, cho nên trong bài “lạm bàn về rượu” này, LNĐ chỉ trình bày sở thích và kinh nghiệm bản thân, không ngoài mục đích “giảng hòa” giữa các thân hữu và độc giả thuộc cả ba môn phái.

* Bia:

Đúng như Thụy Văn đã viết, Úc tuy chỉ đứng hàng thứ 7 trong danh sách các quốc gia “sống sướng” nhất trên thế giới, nhưng đối với các đệ tử Lưu Linh, Miệt Dưới mới chính là thiên đường hạ giới: bia, rượu vang ngon và rẻ không nơi nào bằng!


Nói về bia, hiệu nào ngon nhất thì cũng tùy từng người. Ngày còn ở VN thiếu thốn đủ mọi thứ thì chẳng nói làm chi: bia mập (bia Con Cọp) làm chuẩn, cả năm mới dám lên Kim Sơn một hai lần, bắt trước Trần Đại (Điệu ru nước mắt – Duyên Anh) uống bia 33 đặc, ngậm xì-gà Hav-A-Tampa; họa hoằn lắm mới dám chơi bia ngoại quốc như Heineken, San Miguel, Budweiser, Miller...

Sang tới Úc mới đủ khả năng, điều kiện để lựa chọn. Lúc đầu, LNĐ uống Carlton Draught, sau đổi sang Foster, tới khi đi làm chung với dân Úc mới “khám phá” ra Victoria Bitter (mà người bản xứ gọi tắt là VB).


BÀN VỀ CÁI SAY TRONG TỬU GỚI - BÀI 3 20102141453

LNĐ cũng chẳng hiểu tại sao mình lại khoái “vi-bi”. Bởi vì loại bia phổ biến nhất thế giới là lager (nhiều bọt, vị ngọt, dễ uống), bằng cớ là hiệu Foster (Lager) được xuất cảng đi khắp các nước. Còn nói về “thơm” thì phải nói tới loại bia pilsener (xuất phát từ Tiệp-Khắc), chẳng hạn hiệu Heineken của Hòa Lan. Nếu nói về đậm đà thì bia nào bằng bia đen (shout, hoặc porter) của Anh, Ái Nhĩ Lan... Vậy mà phe ta lại khoái VB-bia đắng!

Một vài người Úc giải thích như sau: VB muốn uống ngon thì phải ướp thật lạnh, lạnh tới mức khi uống không thấy vị đắng, vì thế trong nắng hè trên dưới 40 độ của Miệt Dưới, không gì đã khát (và có hậu) cho bằng VB.

Cũng cần nhắc lại là trong cuộc chấm điểm 10 hiệu bia bán chạy nhất ở Úc hồi gần đây, ban giám khảo đã cho VB và Crown Lager đứng nhất đồng hạng (nên nhớ Crown mắc hơn gấp rưỡi VB), dựa trên 10 tiêu chuẩn, trong đó có màu sắc, bọt, xủi tăm, mùi, vị, độ đậm đặc, và hậu sau khi uống.

Uống bia ở trong quán rượu (pub, nơi mà ly đã được ướp lạnh) thì không nói làm gì, nhưng uống ở nhà, nhất là uống VB thì phải ướp lạnh đúng mức (khoảng 4 độ C). Nếu rót ra ly thì phải là ly có quai (beer mug), hay ly có chân (hoặc ly có đế cao) để khi cầm lên, hơi ấm từ bàn tay không truyền sang làm bia mất lạnh. Dĩ nhiên ta có thể bỏ thêm đá vào ly nhưng cực chẳng đã mới phải làm thế, vì bia sẽ bị lạt đi. Tiện nhất (và ngon nhất) là uống thẳng từ chai nhỏ (stubbies, 375 hoặc 250ml) đã được ướp lạnh; chỉ có điều đáng tiếc là một khi không rót ra ly thì không thấy được cái đẹp của màu bia và bọt bia!

(Những người thích hương vị của bia bitter nhưng lại sợ... đắng, có thể uống thử Melbourne Bitter, dễ uống hơn VB, nhưng cái hậu thì không bằng).

Trở lại với bia nói chung, trong những buổi họp mặt đông người, không gì lý tưởng bằng uống bia. Vì bia là loại rượu phổ biến nhất, và có nồng độ thấp nhất, nên có thể uống tương đối nhiều mà không sợ say, hoặc vừa uống vừa tán dóc cũng phải cả tiếng đồng hồ sau mới bắt đầu thấm. Hơn nữa, bia có thể “đi” với bất cứ món ăn, món nhậu nào trên cõi đời này (ngoại trừ món sushi của mấy anh Nhật Lùn, LNĐ không thể thưởng thức nổi; có lẽ phải uống với rượu sake hay một loại vang nào chăng?!)

Khi một vài người bạn tới nhà chơi mà không nhằm bữa, thì uống bia với khô thiều khô mực, hay “beer nuts” (đậu phộng, hạt điều, hạt dẻ...) cũng đủ vui câu chuyện.


Mùa hè nóng nực, cắt cỏ xong, ngồi ngoài sân chờ khô mồ hôi để đi tắm rửa, làm một lon hay chai bia nhỏ thì không còn gì “đã” cho bằng. Mùi cỏ mới cắt, chai bia, điếu thuốc cũng đủ để quên thân phận... phu (quân) cắt cỏ!

Rồi tới bữa cơm chiều. Ngày LNĐ chưa biết thưởng thức rượu vang, nếu không có một, hai ly bia đi kèm thì cho dù thức ăn do bà xã nấu có đạt tiêu chuẩn quốc tế, cũng thấy vô duyên, vô vị. Nhưng không chỉ có bữa ăn chính, mà kể cả những bữa ăn phụ hoặc ăn vặt, một khi đã bỏ vào miệng thứ gì mằn mặn, không có chút bia cũng có cảm tưởng như thiếu một cái gì.

Thành thử, tuy không ghiền bia cỡ Homer Simpson, LNĐ cũng thông cảm với việc đương sự thú nhận... “No beer, no TV makes Homer something... something crazy!”

Nhưng bia, cũng giống bất cứ loại rượu nào khác, uống nhiều chắc chắn phải có hại cho sức khỏe. Tai hại của bia, LNĐ sẽ bàn tới trong tuần sau cùng, ở đây chỉ nói về cái bất tiện khi uống bia (uống nhiều), đó là việc phải đi tiểu tiện – người bình dân gọi là “xả xú-bắp”.

Vì thế, nhà (người Việt) nào mà tổ chức giỗ kỵ, thôi nôi con, đầy tháng cháu, vợ chồng hấp hôn, mừng cậu ấm cô chiêu vào đại học... ở phía sau nhà vào buổi tối với 3,4 chục người tham dự, thì không thể tránh khỏi tình trạng “ô nhiễm môi sinh”, thường là ở góc cây hay góc vườn. Những nàng đào, lê, mơ, mận... mà được “ơn mưa móc” thì có thể xum xuê tươi tốt, nhưng nàng hồng dòn, nàng ngọc lan mà bị tưới u-rê thì coi như tàn đời.

Rút kinh nghiệm ấy, hiện nay nhiều gia chủ đã cẩn thận nghiên cứu địa hình địa vật trước, để tìm ra một vị trí kín đáo, an toàn rồi cho bạn bè biết hầu tránh tình trạng... tưới bậy. Việc làm này vừa chứng tỏ gia chủ là người chu đáo, vừa đem lại cho khách sự thoải mái, gia tăng cảm giác thú vị khi nhẹ gánh tang bồng – vì lúc ấy, chỉ có “tôi với trời bơ vơ”! (Còn tiếp)

(TVTS 700 - 25.8.1999)



Được sửa bởi ntrinh ngày 19/1/2013, 21:06; sửa lần 1.
ntrinh
ntrinh

Tổng số bài gửi : 99
Join date : 04/11/2012

Về Đầu Trang Go down

BÀN VỀ CÁI SAY TRONG TỬU GỚI - BÀI 3 Empty Re: BÀN VỀ CÁI SAY TRONG TỬU GỚI - BÀI 3

Bài gửi by ntrinh 19/1/2013, 20:56

Bạn có biết beer VB là viết tắt của chữ gì không?


VB có nghĩa là Vì Bạn / Vợ Bỏ cho nên các dân nhậu cứ coi như Vợ Bé ráng uống sao mà còn về để....Vợ Bế chứ đừng để..... Vô Bụi affraid
ntrinh
ntrinh

Tổng số bài gửi : 99
Join date : 04/11/2012

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết